Nói về phụ nữ trong xã hội xưa, thông qua các tác phẩm văn học hay điện ảnh, rất nhiều người có ấn tượng rằng: Khi còn con gái thì họ không bước chân ra khỏi cổng, nhất ngôn nhất hành đều bị ước thúc bởi đạo đức truyền thống. Sau khi xuất giá, họ lại sống lệ thuộc vào người chồng, cả đời làm lụng vất vả cho gia đình, lại còn phải chịu cảnh chồng có thê thiếp, thậm chí có người còn bị chồng bỏ bất cứ khi nào. Nói chung, cuộc đời của người phụ nữ xưa trong quan niệm của người hiện đại thường bị xem là bi kịch.
Ngày đăng: 04-06-2019
3,776 lượt xem
Nhưng đây có phải là cuộc sống thực sự của người phụ nữ thời xưa không? Nếu chúng ta có thể tĩnh hạ tâm xuống, lật lại xem những trang sách ố vàng đã lưu truyền hàng ngàn năm lịch sử, có lẽ sẽ có thể tìm ra vài phần chân tướng, hiểu biết thêm về mối quan hệ vợ chồng của người xưa, cùng với trách nhiệm và sự cống hiến của người vợ đối với gia đình.
Cổ nhân đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ vợ chồng. Họ cho rằng, mối quan hệ giữa chồng và vợ là mối quan hệ trọng yếu nhất của con người. Điều này được ghi chép rất nhiều trong sách cổ.
Trong “Chu Dịch” viết: “Thiên Địa sinh thành hậu sản sinh vạn vật, vạn vật sản sinh hậu hữu liễu nam nữ chi biệt, chi hậu tài hữu phu thê, phụ tử, quân thần đẳng nhân luân quan hệ, tùy chi dã hữu liễu thượng hạ, lễ nghi đích khái niệm.” nghĩa là, Trời Đất sinh thành rồi sau mới sinh ra vạn vật, vạn vật sinh ra rồi sau mới có nam nữ khác biệt, sau rồi mới có quan hệ vợ chồng, cha con, quân thần, từ đó mới có khái niệm trên dưới, lễ nghi. Quan hệ vợ chồng được coi là ngọn nguồn của các mối quan hệ, đúng như trong “Sử Ký” nhấn mạnh: “Phu phụ chi tế, nhân đạo chi đại luân dã.”
Trong “Trung Dung” cũng viết: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kì chí dã, sát hồ Thiên Địa”, tức là đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng, phát triển tới cảnh giới cao thâm thì có thể quan sát hiểu rõ ràng tường tận cái đạo của tất cả mọi sự vật trong trời đất.
Cổ nhân xem trời đất, âm dương là nền tảng nguyên thủy nhất của tự nhiên và vợ chồng là nền tảng nguyên thủy nhất của xã hội. Bởi vì, từ mối quan hệ vợ chồng mới sản sinh ra một loạt các mối quan hệ cha con, anh em, họ hàng thân tộc… cuối cùng tạo thành mạng lưới quan hệ. Trong gia đình, vợ chồng làm tròn đạo của mình, các thành viên làm tròn đạo của mình mới có thể khiến gia đình hòa thuận, gia phong đoan chính.
Tiến thêm một bước nữa có thể thấy, đạo vợ chồng là có ảnh hưởng đến quốc gia đại sự, sự hưng suy của xã hội. Văn hóa Nho gia đặt mối quan hệ giữa vợ chồng là một trong năm mối quan hệ trong nhân luân và là nền tảng để một người “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. “Tề gia” đứng trước “trị quốc”, muốn “tề gia” thì trước hết phải làm tốt được mối quan hệ vợ chồng. Cổ nhân đã xem mối quan hệ vợ chồng là quan trong như vậy thì sao có thể nâng cao vị thế của người chồng mà hạ thấp vị thế của người vợ như người hiện đại thường nhìn nhận?
Trong cuốn “Bạch Hổ Thông” viết: “Phu giả, phù dã; thê giả, tề dã” (tạm dịch: Người chồng là người gánh vác gia đình, người vợ là người chăm sóc gia đình chỉnh tề). Người chồng là chủ tâm phúc của gia đình, có trách nhiệm dẫn dắt và trợ giúp, kiếm sống để chèo chống gia đình, đưa gia đình vào khuôn phép, trật tự. Người vợ là người có trách nhiệm gánh vác ngang với người chồng, lo liệu việc trong nhà, chăm sóc người nhà. Đây chính là vợ chồng nhất thể, đồng tâm hiệp lực xây dựng gia đình.
Tuy rằng vợ chồng là nhất thể nhưng nam nữ có chỗ khác biệt, sở trường, tâm sinh lý là khác nhau. Đây là điều mà cổ nhân gọi là “âm dương chi đạo”. Người chồng là nam, là đại biểu cho dương, là cứng rắn. Người vợ là nữ, là đại biểu cho âm, là ôn nhu thùy mị.
Cổ nhân căn cứ vào đạo âm dương để xác lập luân lý gia đình “nam tôn nữ ti”, “nam chủ ngoại, nữ chủ nội”. Tôn và ti ở đây không định nghĩa là cao quý và thấp hèn mà là sống thuận theo thiên địa.
Thiên là thuần dương, là ở trên, là tôn. Ý nói, người đàn ông xử sự phải giống như thiên, cương nghị, không ngừng vươn lên. Địa là thuần âm, là ở dưới, là ti. Ý nói, người phụ nữ xử sự phải giống như đại địa, khiêm tốn, trọng đức và bao dung hết thảy.
Cụ thể, về trách nhiệm của vợ chồng trong cuộc sống cũng đề cập đến sự phân chia “trong ngoài”. Ở bên ngoài, người đàn ông nếu là vua thì phải chăm lo việc nước, nếu là bề tôi thì phải tận trung tận lực hoàn thành trách nhiệm, phụ tá giang sơn, nếu là người làm tướng thì phải bảo vệ đất nước, nếu là người dân bình thường thì phải chăm chỉ làm việc, cần cù lao động. Người vợ ở nhà phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức, giúp chồng dạy con, quản lý việc chi tiêu, nội trợ, ghi nhớ ngày cúng tế tổ tiên…
Trong “Lễ ký” viết: “Nam bất ngôn nội, nữ bất ngôn ngoại”, ý nói người đàn ông phải không xét hỏi việc nhà mới có thể để tâm chuyên chú phát triển sự nghiệp. Người phụ nữ không can thiệp việc bên ngoài của chồng mới có thể tập trung chăm sóc gia đình chỉnh tề.
Người xưa có câu: “vợ chồng có khác biệt” cũng là chỉ công việc của vợ, của chồng là có sự khác biệt. “Nam chủ ngoại sự”, ý chỉ người chồng làm việc bên ngoài, nuôi dưỡng gia đình. “Nữ chủ nội sự” là chỉ người phụ nữ đảm nhiệm công việc quản gia, phụng dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cái. Trong đó việc nữ công, gia chánh phải khéo léo. Với phụ nữ ngày xưa thì chủ yếu là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, tuy nhiên với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa.
Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ vừa giỏi việc gây dựng sự nghiệp, vừa chăm sóc gia đình cũng không phải là trái với tứ đức xưa của người phụ nữ. Nhưng bởi vì người phụ nữ là có tính âm, nhu mềm, nên mọi việc phải giữ chừng mực, xử lý tốt quan hệ giữa công việc gia đình và bên ngoài. Nếu quá thiên về công việc bên ngoài thì nhà sẽ thiếu đi trụ cột bên trong, hôn nhân sẽ đến muộn hoặc cuộc sống gia đình không hòa thuận.
Có thể nhiều người cho rằng người phụ nữ trong xã hội xưa đều là vì chồng vì con mà sống, bản thân không có giá trị gì đáng kể. Nhưng kỳ thực, trong xã hội truyền thống, người đàn ông đều gánh trên vai trọng trách vì nước vì dân. Nếu là quân chủ thì họ vì quốc gia đại sự mà lo lắng, nếu là một người dân thường thì họ đều làm nụng vất vả nuôi sống gia đình, hầu hết họ đều không chỉ vì mình mà sống. Người phụ nữ đều mong muốn người chồng của mình có chí khí, có hoài bão nên tận tâm tận lực chăm sóc gia đình cho chồng yên tâm. Điều này chẳng phải chứng minh trong văn hóa truyền thống, dù là đàn ông hay phụ nữ đều có mỹ đức vô tư vô ngã sao?
Cổ nhân đặt mối quan hệ vợ chồng như mối quan hệ quân thần. Người chồng như là vua, là người đứng đầu một nhà. Người vợ chính là tể tướng trong nhà. Cho nên, thời xưa người vợ trong nhà còn được gọi là “Chủ mẫu”. Họ được mọi người trong gia đình kính trọng. Còn trong việc dạy con, một người vợ hiền lương sẽ bồi dưỡng ra những người con vừa có tài vừa có đức, ảnh hưởng đến cả vận mệnh của quốc gia. Cho nên, cổ nhân nói, có hiền nữ mới có hiền thê, có hiền thê mới có hiền mẫu, có hiền mẫu mới có hiền tử. Điều này trong sử sách có ghi chép rất nhiều tấm gương người mẹ dạy con thành tài.
Như vậy có thể thấy, người vợ trong nhà giống như đại thần là cánh tay đắc lực nhất của người chồng, cũng là người mà các thành viên khác có thể dựa vào nhất về phương diện ăn, mặc, ở, đi lại… Điều đó cũng khẳng định, vị thế thực sự của người vợ trong xã hội truyền thống không thấp kém mà vô cùng quan trọng.
Gửi bình luận của bạn